Về Dinh Cô nghe những câu chuyện nổi tiếng linh thiêng về Long Hải Nữ Thần ở Bà Rịa Vũng Tàu
Nằm bên bờ biển Long Hải nên thơ là Dinh Cô – nơi hàng vạn du khách đến hành hương cầu mong những điều tốt lành cho cuộc sống và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.
Hằng năm, vào ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch, người dân Long Hải tổ chức lễ hội rất long trọng theo nghi thức cổ truyền. Các cụ cao niên với lễ phục trang nghiêm làm chủ lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Cùng với đó là lễ Nghinh Cô ngoài biển cùng thuyền hoa lộng lẫy để tưởng nhớ Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần.
Dinh Cô tọa lạc tại thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là một trong những ngôi đền in đậm màu sắc dân gian và linh thiêng bậc nhất Nam Bộ được nhiều người tìm đến hành hương. Đền Dinh Cô đã, đang và sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân Long Hải nói riêng và người dân đi biển Việt Nam nói chung.
Dinh Cô thờ ai?
Ngay tại Dinh Cô, bia khắc tại đền cũng đã nói về sự hình thành tục thờ Cô tại đền. Tương truyền, cách đây hai thế kỷ, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách), quê ở Tam Quan, Bình Định, giàu lòng nhân ái, từ bi muốn tìm nơi thanh liêu ẩn dật. Chẳng may trong một lần ra biển Cô bị lâm nạn (tại Hòn Hang) khi vừa tròn 16 tuổi. Ngư dân địa phương thương xót nên đã chôn cất Cô trên đồi Cô Sơn và lập miếu thờ ngoài bãi biển.
Trong Đại Nam nhất thống chí cũng có nhắc: “Ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi mỏm Dinh Cô, có một đống vừa cát vừa đá, trước kia có người con gái chừng 17-18 tuổi bị bão dạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy, tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ đến nay vẫn còn”.
Dinh Cô cũng đã nhiều lần trải qua thăng trầm do nằm kề bãi biển, dễ bị sóng gió cuốn lở. Năm 1930, ngư dân Long Hải đã dời miếu thờ lên núi Kỳ Vân – nơi mà Dinh Cô đang tọa lạc. Núi Kỳ Vân là nơi phong thủy hữu tình, nằm gọn dưới dãy Minh Đạm, là nơi ngày nay thu hút khách nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Tháng Giêng năm Đinh Mão 1987, cơn hỏa hoạn thiêu rụi chính điện nên ngôi miếu nhỏ và được nhân dân công đức đóng góp trùng tu lại sau đó. Dinh Cô được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số: 65QĐ/BT ngày 16/01/1995.
Ngư dân miền biển vượt qua giông bão bao năm không chỉ là sự kiên trì, ý chí bền bỉ mà họ còn có điểm tựa tâm linh vào tín ngưỡng thờ thần. Giống như bao cư dân miền biển thuộc duyên hải Đông Nam Bộ, Long Hải là vùng đất đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, ngoài tục thờ Dinh Cô (Long Hải thần nữ), nơi đây còn có Dinh Ông (Ông Nam Hải, thờ cá voi), miếu Bà Lớn (Bà Thủy Thần),… đều tượng trưng cho những mong ước tốt lành, bình an của người đi biển và gửi gắm vào mùa bội thu tôm cá.
Dinh Cô có gì đặc biệt?
Dinh Cô của hiện tại nằm trên khoảnh đất khoảng 1000m2, miếu thờ cô nằm ngay dưới chân núi Kỳ Vân và Mộ Cô nằm trên đồi Cô Sơn.
Bàn thờ chính điện chia làm bốn tầng, tầng dưới cùng đặt đồ tự khí, ba tầng trên thờ nhiều tượng. Tượng Bà Cô cao khoảng 0,5m mặc áo choàng đỏ chính giữa, viền kim tuyến lấp lánh và đội mũ vàng gắn ngọc, bài vị có ghi “Thánh nữ nương nương” và “Long Hải thần nữ”.
Bên trái bàn thờ Cửu huyền Thất tổ của Bà Cô, bài vị ghi tên bố Bà Cô là Lê Văn Thương (tượng đen bên trái) và mẹ là Thạch Thị Hà (tượng trắng bên phải). Bên phải bàn thờ là tượng và bàn thờ Chúa Cậu (Cậu Tài, Cậu Quý). Sau tượng Bà Cô là 5 tượng nhỏ Ngũ hành Nương nương tương ứng với Ngũ hành Kim, Mộc,Thủy, Hỏa, Thổ. Cao nhất nổi bật là tượng Diêu trì Phật mẫu trang phục màu đen. Hai bên là tượng Tứ pháp Nương nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).
Trong Dinh Cô không chỉ có thờ tự Cô mà còn kết hợp với nhiều thần nữ khác đại diện cho nhiều dòng văn hóa. Điều này thể hiện cho sự gắn bó mật thiết giữa tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẹ, thờ Mẫu của văn hóa Việt ở khắp đất nước mà chính yếu với ngư dân Long Hải là Bà Cô.
Tục thờ Bà Cô là nhân thần của người dân Long Hải kết hợp với tín ngưỡng thờ nhiên thần như Thủy Thần, Ngũ hành nương nương,… đã giúp nơi này trở nên nhiệm màu linh thiêng. Người ta đổ về Long Hải không chỉ để nghỉ dưỡng, tắm biển mà còn đến với cõi thiêng dân gian để cầu nguyện những điều lành, để tìm một điểm tựa tâm linh xoa dịu những bộn bề lo lắng…